Ở phần trước, chúng tôi đã phân biệt Tre và Mây – 2 nguyên liệu chính để làm sản phẩm mây tre đan, tre gồm có cật tre, thịt tre và ruột tre (tre bụng) , mây gồm có vỏ mây và thân mây. Ở phần này chúng tôi giới thiệu thêm các chất liệu thân cỏ trong ứng dụng đồ dùng thủ công:
CÓI
Cói là chất liệu quen thuộc, ai ai cũng lớn lên cùng chiếc chiếu cói. Cói là loài thân cỏ, được trồng nhiều ở phía Bắc. Khi cắt ngang sợi cói sẽ thấy rất nhiều sợi nhỏ bên trong, cấu tạo như một miếng mút xốp, có độ đàn hồi. Chính vì cấu tạo này mà đặc tính của cói là HÚT ẨM.
Đặc tính hút ẩm này giúp cho chiếu cói có khả năng thấm hút mồ hôi, khô thoáng, nhưng lại vẫn giữ ấm. Cói cũng có độ êm nhất định nên chiếc chiếu cói có tác dụng rất tốt cho sức khỏe.
Nhưng cũng vì đặc tính hút ẩm này, nếu cói được làm thành giỏ, sọt, hay các vật dụng khác, khả năng bị mốc khá cao. Sợi cây cói là môi trường lý tưởng cho mốc phát triển.
Vì sao cói nhanh mốc mà làm chiếu thì lại không sao? Vì khi nằm, ngồi, chiếu tiếp xúc nhiều với da người nên hút được một lớp dầu tự nhiên, lớp dầu này làm cho sợi cói bóng, và không bị mốc được.
Đây cũng là lý do vì sao không nên giặt chiếu bằng xà phòng. Xà phòng sẽ phá hủy cấu trúc tự nhiên của cói, làm cho cói bị thâm, nhanh hỏng, mất lớp dầu bảo vệ. Ta chỉ nên giặt chiếu bằng nước thường hoặc bằng quả giặt tự nhiên như bồ hòn.
Kết luận: đặc tính hút ẩm của sợi nếu được áp dụng đúng sản phẩm, sẽ phát huy tác dụng rất tốt. Nếu bạn sử dụng giỏ, túi, hộp cói, hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng thường xuyên, hơi tay người và lớp dầu tự nhiên trên tay bạn sẽ giúp sản phẩm không bị mốc. Điều này đúng với cả các sản phẩm rổ rá tre, sọt mây… như chúng tôi đã giới thiệu ở phần trước
CỎ BÀNG
Cũng là một loại sợi thân cỏ, cỏ bàng được trồng nhiều hơn ở phía Nam. Khi cắt ngang sợi cỏ bàng bạn sẽ thấy rỗng. Ống hút cỏ bàng thay cho ống hút nhựa cũng là sản phẩm được quan tâm nhiều gần đây.
Ứng dụng của cỏ bàng khá tương đồng với cói, cỏ bàng được đan thành thảm, chiếu, túi, mũ, hộp, giỏ sọt. Tuy nhiên 2 vật liệu này có ưu nhược khác nhau:
Cỏ bàng làm thảm, chiếu thì không có độ êm như cói, thân cỏ bàng rỗng, khi cán dẹp, phơi khô sẽ khó còn độ đàn hồi, êm ái. Thảm chiếu cỏ bàng sẽ hơi “phồng phành”, trải ra không bằng phẳng mượt như chiếu cói. Tuy nhiên với khí hậu khô nóng phía Nam, chiếu cỏ bàng lại rất thích hợp vì độ mát nhẹ của mình.
Cỏ bàng làm thành các sản phẩm khác như hộp, giỏ, sọt… Chúng tôi lại đánh giá cao hơn. Sợi cỏ bàng rỗng và khô, nên khó bị mốc hơn, không có đặc tính miếng mút hút ẩm như cói. Sợi cỏ bàng cũng ít đàn hồi, nên đan lên sản phẩm sẽ chặt tay, đều, khó bị co giãn, biến dạng -> sản phẩm đẹp, định hình và bền chắc hơn so với sản phẩm cói.
CỎ TẾ (GUỘT)
Cỏ tế thuộc họ dương xỉ, thường có ở các vùng trung du miền núi phía bắc. Cỏ tế cần phơi để có màu đẹp, dẻo, để nguyên hoặc chẻ nhỏ thành sợi mỏng, dai, hay được kết hợp với song mây gọi là kỹ thuật xâu xiên ( phần 1).
Cỏ tế chuốt thành sợi rất đều, mịn, tạo ra các sản phẩm vô cùng tinh xảo, bền, giá trị thẩm mỹ cao, có giá rất đắt. Một số ứng dụng chính là: hộp ủ ấm trà, hộp trà, sọt, giỏ, bình…
Vì cỏ tế và song mây khô, chắc nên khó bị mốc, không hút ẩm. Nếu có bị mốc có thể cọ bằng bàn chải mềm với nước rồi phơi khô là sản phẩm lại đẹp như mới.
LỤC BÌNH
Lục bình hay chính là bèo tây, có thân béo và rất xốp. Lục bình được phơi khô và sử dụng trong các sản phẩm thảm, túi, hộp giỏ đan. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ sản phẩm này không thích hợp lắm với điều kiện nóng ẩm ở Việt Nam vì rất hút ẩm, dễ mốc, dễ bám bụi. Thường sản phẩm lục bình được khách hàng nước ngoài ưa chuộng, thường làm để xuất khẩu.
Mây, Tre, Cói, Cỏ bàng, Cỏ tế, Lục bình là một số các chất liệu cơ bản của các sản phẩm Mây Tre Lá. Chúng tôi hi vọng rằng bạn sẽ hiểu hơn về sản phẩm và có những lựa chọn đúng đắn khi sẵn đồ Mây Tre Lá cho gia đình. Các sản phẩm Mây Tre Lá nếu được dùng đúng mục đích sẽ rất bền, hữu ích và đẹp thêm, ấm áp cho ngôi nhà.