Quê hương Kim Sơn, Ninh Bình là “cái nôi” của nghề đan lát tạo ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi tiếng. Chính từ truyền thống quý giá đó, khi có thêm nguồn nguyên liệu lục bình( bèo tây), đã phát triển nghề đan lục bình hiện nay, dựa trên những kỹ thuật vốn có từ nghề đan truyền thống ở quê hương, kết hợp với sự nhạy bén nắm bắt được nhu cầu thị trường xuất khẩu.
Cây lục bình thường trôi lang thang trên các dòng sông, rồi tấp vào các dải đất ven sông hoặc quanh các cù lao, cũng có khi cây lục bình lớn lên trong các mương vườn, những cụm luc bình trôi hoang theo dòng nước chỉ cao tầm 15cm. Ở những vùng giàu nguyên liệu cho nghề đan lục bình, người dân chủ định nuôi trồng sẽ kết bè lại chăm sóc. Vào khoảng ba tháng tuổi, cây lục bình bước vào giai đoạn trưởng thành, thân cây đạt độ dài 60 – 90 cm. Đó chính là lúc thích hợp để thu hoạch cây lục bình. Người ta cắt cây lục bình sát gốc, vạt bỏ lá, rồi đem phơi ngoài nắng vài ba hôm cho lục bình héo khô, sau đó sẽ được xử lý mối mọt, thế là thành cây nguyên liệu để đan các sản phẩm lục bình.
Cho đến nay, có nhiều hình thức đan sản phẩm lục bình. Đó là đan thảm lục bình, hay còn gọi là đĩa lục bình, và đan khung, hoặc đan kết hợp họa tiết với cói. Kỹ thuật đan lục bình rất đơn giản. Có ba kiểu đan cơ bản. Kiểu thứ nhất là đan hạt gạo, hay còn gọi là đan mắt na, kiểu thứ hai là đan xương cá và kiểu thứ ba là đan rối, hay còn gọi là đan nhện. Mỗi kiểu đan thích hợp với mỗi loại sản phẩm khác nhau. Thí dụ như kiểu xương cá thường được ứng dụng để đan thảm, còn đan kệ để báo và tạp chí, người ta chỉ sử dụng kiểu đan hạt gạo. Riêng đối với các loại sản phẩm đan khung, người ta có thể đan theo kiểu hạt gạo hay đan rối đều được, trong đó, kiểu đan rối rất được ưa chuộng.
Tùy theo từng địa phương, từng cơ sở mà người ta đan những sản phẩm khác nhau. Tại Kim Sơn – Ninh Bình, chủ yếu nhập lục bình nguyên liệu từ các tỉnh lân cận về, sau đó những người nghệ nhân tạo ra các sản phẩm rất đa dạng, từ những loại đơn giản như thảm, chiếu lục bình cho đến những sản phẩm phức tạp hơn như kệ đựng báo, chai đựng rượu, khay giấy, giỏ, làn, rổ, hộp, chậu bông các loại và ghế salon v.v… Các mặt hàng này tương đối phong phú và đa dạng về kiểu dáng, kích cỡ , màu sắc, khách hàng có thể đặt mẫu theo ý thích để nhà sản xuất thực hiện. Sản phẩm của không chỉ được ưa chuộng tại thị trường trong nước, mà còn được xuất khẩu đi các nước Tây Âu như Đan Mạch, Đức và xuất sang Đài Loan, Nhật bản, trung Quốc,…
Trong nghệ thuật chế tác các sản phẩm lục bình, có một nguyên tắc căn bản, đó là không sơn màu, mà phải giữ nguyên màu tự nhiên của nó. Nếu muốn cho sản phẩm có màu sắc, người ta phải nhuộm cây nguyên liệu trước khi đan sản phẩm, giống như nhuộm cây cói trước khi dệt chiếu. Ngoài ra, để làm đẹp cho sản phẩm, tạo sự hấp dẫn đối với khách hàng, người ta thường sử dụng các vật liệu trang trí như hoa cỏ khô, các loại dây, thừng hoặc các loại hạt cườm bằng nhựa hoặc thủy tinh để kết hoa lá lên các sản phẩm lục bình. Cách làm này đặc biệt được ưa chuộng trên thị trường ở nước ngoài.
Làng nghề thủ công mỹ nghệ huyện Kim Sơn- Ninh Bình, đang ngày càng phát triển nghề đan lục bình với mô hình làng nghề, các doanh nghiệp đã và đang ngày càng hoàn thiện, phát triển chuyên nghiệp để đưa các sản phẩm với chất lượng tốt nhất, phù hợp với thị hiếu tới tay người tiêu dùng, và xuất khẩu sang các nước trong khu vực và quốc tế.